Di sản Otto_von_Bismarck

Các nhà sử học đã đạt được sự đồng thời rộng rãi về tầm vóc của Bismarck đối với nền văn hóa chính trị của nước Đức trong vòng 125 năm qua.[32][33] Theo đánh giá của nhà sử học người Mỹ Steinberg, những thành tựu của ông vào các năm 1862-1871 là "thành tích chính trị và ngoại giao lớn nhất của một nhà lãnh đạo trong vòng hai thế kỷ vừa qua."[34]

Otto Pflanze cho biết, ngoại trừ hoàng đế Napoléon Bonaparte, không một nhân vật nào trong lịch sử châu Âu cận đại được yêu thích nhiều như Otto von Bismarck.[35] Ông được nhiều người đương thời, cũng như các thế hệ sau ca ngợi như một vị anh hùng. Di sản quan trọng nhất của ông là công cuộc thống nhất nước Đức. Đối với người Đức, Bismarck và quá trình thống nhất đất nước của ông cũng đầy sức hút không kém Tổng thống Abraham Lincoln và cuộc nội chiến đối với người Mỹ[36]. Do chế độ phong kiến phân quyền của Đế quốc La Mã Thần thánh cũ, nước Đức đã tồn tại như một tập hợp của hàng trăm công quốc và thành phố tự do riêng rẽ. Trải qua hàng thế kỷ trước thời Bismarck, nhiều vua chúa đã cố gắng hợp nhất các quốc gia Đức nhưng không thành công. Giờ đây, các vương quốc của người Đức và thống nhất thành một quốc gia-dân tộc, và có được điều này chủ yếu là nhờ các nỗ lực của Bismarck.

Sau khi thống nhất, nước Đức trở thành một cường quốc hàng đầu của châu Âu. Đường lối ngoại giao khôn khéo, thận trọng và thực dụng của Bismarck đã tạo điều kiện cho nước Đức giữ được vị thế hùng cường mà Bismarck đã đem lại cho mình bằng việc duy trì quan hệ đối ngoại hòa nhã với hầu hết các quốc gia khác. Ngoại lệ duy nhất là Pháp, quốc gia đã bị tàn phá bởi cuộc chiến tranh Pháp-Đức và các chính sách khắc nghiệt về sau này của ông đã khiến Pháp trở thành một trong những kẻ thù sâu cay nhất của Đức ở châu Âu. Thêm vào đó, mặc dù sự thành lập Đế quốc Đức làm suy yếu thế lực của Áo ở một mức độ nhỏ hơn nhiều so với Pháp, đế quốc 600 năm tuổi của nhà Habsburg không còn đóng một vai trò chi phối nào trên chính trường quốc tế từ thời điểm này[37]. Bismarck tin rằng chừng nào Anh, Nga và Ý còn được trấn an bởi chính sách hiếu hòa của Đế quốc Đức, sự gây chiến của Pháp sẽ bị ngăn chặn. Thế nhưng, Hoàng đế Wilhelm II xóa bỏ đường lối ngoại giao sắc sảo của Bismarck và theo đuổi những chính sách dẫn tới sự hợp nhất của các cường quốc khác tại châu Âu chống lại Đức và Áo-Hung trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Các nhà sử học nhấn mạnh rằng "chính sách lục địa bảo hoà" nhằm giữ vững ổn định ở Đức và châu Âu của Bismarck đã ngày càng trở nên không được ưa chuộng, do nó kìm hãm mọi ý đồ bành trướng. Trái ngược với đường lối hiếu hòa của ông là Chính sách Thế giới đầy tham vọng của Wilhelm II nhằm bảo đảm tương lai của đế quốc bằng các hoạt động bành trướng sức mạnh của Đức, góp phần dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ nhất. Đồng thời, chính sách của Bismarck nhằm ngăn chặn tiếng nói chi phối của các thế lực quân phiệt trong việc đưa ra quyết định chính trị đối ngoại đã bị đảo lộn vào năm 1914 khi nước Đức trở thành một quốc gia vũ trang.

Bên cạnh đó, những nét tính cách cá nhân và tâm lý của ông không được các học giả nhìn nhận tích cực cho lắm. Steinberg khắc họa hình ảnh Bismarck như một thiên tài nham hiểm có thái độ căm thù sâu sắc, thậm chí là với những người bạn và họ hàng thân nhất của mình. Evans đánh giá ông là người "đáng sợ và vô liêm sỉ, lợi dụng tính mỏng manh chứ không phải là sức mạnh của người khác."[38] Các nhà sử học người Anh, trong đó có Evans, Taylor, Palmer và Crankshaw, coi Bismarck là một nhân vật mâu thuẫn, là một người có tài năng xuất chúng không thể chối cãi nhưng không để lại một cơ chế lâu dài để định hướng những người kế thừa kém tài hơn ông. Thêm vào đó, là một người tận tâm với chủ nghĩa bảo hoàng, Bismarck không cho phép quyền lực của Đức hoàng chịu một sự hạn chế hiệu quả nào của hiến pháp, qua đó đặt một quả bom thời gian vào nền tảng của nước Đức mà ông kiến lập. Sự thiếu khả năng tự quản cho người dân Đức xuất phát từ chính sách của Bismarck đã khiến cho Georg von Bunsen kết luận: "Bismarck làm cho nước Đức vĩ đại và người Đức nhỏ bé".[4]

Trong suốt gần 30 năm tại nhiệm của mình, Bismarck nắm giữ quyền lực không thể chối cãi chi phối các chính sách của chính quyền. Ông được sự hỗ trợ đắc lực của bạn mình là Albrecht von Roon, Bộ trưởng Chiến tranh, cùng với người Tổng chỉ huy trên thực tế của quân đội Phổ là Helmuth von Moltke. Các động thái ngoại giao của Bismarck đều trông cậy vào một bộ máy quân sự Phổ bách chiến bách thắng, và hai vị thủ lĩnh quân sự này đã mang lại cho Bismarck những thắng lợi mà ông cần thiết để thuyết phục các bang Đức hợp nhất dưới sự lãnh đạo của Phổ.

Bismarck đã từng bước dập tắt hoặc kiềm chế các phe đối lập chính trị, mà bằng chứng là các đạo luật hạn chế quyền tự do báo chí, cùng với các đạo luật chống chủ nghĩa xã hội. Các chính sách đối nội của ông không thu được nhiều kết quả mỹ mãn như đối ngoại.[4] Ông đã phát động một cuộc đấu tranh văn hóa (Kulturkampf) chống lại Nhà thờ Công giáo cho đến khi ông nhận thấy tinh thần bảo thủ của người Công giáo có thể khiến họ trở thành những đồng minh tiềm ẩn của ông chống lại phe xã hội chủ nghĩa. Đức hoàng Wilhelm I hầu như luôn đồng tính với các quyết sách của Thủ tướng; trong một số lần tranh cãi, Bismarck buộc quân vương phải chấp thuận đường lối của mình bằng việc đe dọa từ chức. Tuy nhiên, về sau này, Wilhelm II muốn đích thân chấp chính và điều đó khiến cho việc loại trừ Bismarck trở thành một trong những mục tiêu đầu tiên của mình sau khi lên ngôi Hoàng đế. Với quyền lực tập trung vào tay Hoàng đế, các thủ tướng kế nhiệm Bismarck đều có tầm ít ảnh hưởng hơn nhiều so với ông.

Những lời tiên đoán

Đài tưởng niệm Bismarck ở HamburgĐài tưởng niệm Bismarck ở BielefeldĐài tưởng niệm Bismarck ở Baden-Baden

Tháng 12 năm 1897, Wilhelm II đến thăm Bismarck lần cuối. Cựu Thủ tướng Bismarck đã cảnh báo hoàng đế về chính sách dựa vào những âm mưu của giới chính trị bảo thủ và quân sự tại đế chế Đức:

Thưa Hoàng thượng, chừng nào ngài còn nắm được những sĩ quan quân đội, ngài còn có thể làm như mình muốn. Nhưng khi điều này không còn nữa, tình hình sẽ thay đổi rất nhiều đối với ngài.

— Otto von Bismarck[39]

Tiên đoán này thành sự thật khi hoàng đế Wilhelm II không còn nhận được sự ủng hộ của giới quân sự và bị lật đổ trong cuộc cách mạng Đức vào năm 1918.

Cựu Thủ tướng Bismarck còn hai tiên đoán chính xác đến kinh ngạc nữa:

Jena (trận đánh quân Phổ đại bại trước Napoleon) xảy ra hai mươi năm sau khi Friedrich Đại đế mất. Nếu như tình hình chính trị cứ diễn biến thế này, hai mươi năm sau khi tôi qua đời (1898), một cuộc chiến mà chúng ta là kẻ thất bại sẽ bùng nổ (tức chiến tranh thế giới thứ nhất- nước Đức bại trận năm 1918).

— Otto von Bismarck[40]

Tiên đoán đó thậm chí đúng đến cả tháng kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ nhấtĐức là một trong những nước thua cuộc.[41]

Một ngày nào đó, cuộc chiến lớn trên toàn châu Âu sẽ bùng nổ vì một sự kiện ngu ngốc tại Balkan.

— Otto von Bismarck

Lời tiên đoán này cũng đúng một cách kỳ lạ, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra chính là do vụ ám sát thái tử Áo-Hung Franz FerdinandBosnia năm 1914.

Những pháp lệnh xã hội

Những năm 1880 là giai đoạn khởi đầu của nước Đức trên chặng đường dài để trở thành một nhà nước phúc lợi như ngày nay. Các đảng Dân chủ xã hội, Quốc gia tự do và Trung dung đều tham gia vào những khởi đầu cho các pháp lệnh xã hội, nhưng Bismarck mới chính là người thiết lập những nền tảng đầu tiên cho việc đưa các pháp lệnh phúc lợi xã hội vào thực tiễn đời sống. Chương trình phúc lợi của những người dân chủ xã hội bao gồm tất cả các chương trình Bismarck sẽ dần dần triển khai, nhưng cũng bao gồm các chương trình được thiết kế để ngăn chặn các chương trình được Karl MarxFriedrich Engels ủng hộ. Ý đồ của Bismarck là triển khai các chương trình đó ở mức tối thiểu mà nhà nước Đức còn chấp nhận được nhưng không công khai nhượng bộ những người xã hội chủ nghĩa.

Chương trình của Bismarck tập trung vào các chính sách bảo hiểm hòng gia tăng sản xuất vật chất cũng như để thu hút sự ủng hộ chính trị của giai cấp công nhân Đức với chính phủ bảo thủ của giai cấp tư sản. Chương trình bao gồm các chính sách bảo hiểm y tế (1883), bảo hiểm tai nạn (1884), bảo hiểm tàn tật và lương hưu (1889), trước đó chưa bao giờ được thực hiện một cách sâu rộng như thế.

Tưởng niệm

Đài kỷ niệm Bismarck với vai trò là sinh viên ở Rudelsburg

Hai chiếc tàu chiến của Hải quân Đế quốc Đức sau này, và một chiếc tàu khác trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945), được đặt theo tên ông.

Rất nhiều đài tưởng niệm ở các thành phố, thị trấn và cả ở nông thôn trên toàn nước Đức được dựng lên để tưởng nhớ Thủ tướng Otto von Bismarck.

Ngoài ra còn có các địa danh đặt theo tên ông:

Trong các tác phẩm văn nghệ

  • Bismarck - Chancellor and Demon ("Bismarck, thủ tướng và quỹ dữ"), một bộ phim tài liệu của Đức gồm hai phần ra mắt năm 2007 mô tả những cá tính khác nhau của Bismarck, do Christoph Weinert viết kịch bản và đạo diễn.[42][43]
  • Otto von Bismarck là một nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử Royal Flash, của tiểu thuyết gia nổi tiếng George MacDonald Fraser. Trong bộ phim cùng tên, vai Bismarck do Oliver Reed thủ diễn.
  • Ngoài ra, Bismarck còn xuất hiện trong rất nhiều tranh vẽ được lưu giữ suốt từ cuối thế kỷ 19.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Otto_von_Bismarck http://www.amazon.com/Bismarck-German-Empire-Erich... http://www.amazon.com/Handbook-Imperial-Germany-Ja... http://books.google.com/books?id=IkgKAAAAIAAJ&pg=P... http://books.google.com/books?id=N-omE8jc9UcC&pg=P... http://books.google.com/books?id=akpzLZLxvP4C&pg=P... http://books.google.com/books?id=dEgKAAAAIAAJ&pg=P... http://books.google.com/books?id=gb_QDH2ACAgC&pg=P... http://books.google.com/books?id=iz8bAAAAMAAJ&pg=P... http://www.kbismarck.com/ottovbis.html http://www.questia.com/PM.qst?a=o&d=7561027